Tầm soát và phát hiện sớm các biến chứng
Tại thời điểm chẩn đoán đái tháo đường típ 2, các nghiên cứu ghi nhận trong 20 bệnh nhân sẽ có 2 người có biến chứng về mắt hoặc thận, 1 người có biến chứng về tim hoặc mạch máu. Các biến chứng này xuất hiện nhiều và nặng hơn nếu phát hiện trễ và kiểm soát bệnh kém.
a) Bệnh võng mạc
Đây là một biến chứng diễn tiến âm thầm với kết cục dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và cuối cùng là giảm/mất thị lực. Hiện chỉ có thể phát hiện biến chứng tại mắt của bệnh đái tháo đường thông qua thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc này nên được thực hiện mỗi 1 đến 2 năm một lần và thường xuyên hơn nếu có các bất thường.
Ngoài điều trị kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát về mỡ máu và huyết áp cũng giúp giảm tiến triển bệnh. Các điều trị chuyên sâu sẽ được chỉ định tùy trường hợp cụ thể.
b) Bệnh thận
Ngoài xét nghiệm chỉ số Creatinine máu để đánh giá chức năng của thận, các bác sĩ còn sử dụng chỉ số đạm trong mẫu nước tiểu để theo dõi bệnh. Các xét nghiệm này được kiểm tra định kì mỗi năm 1 lần và các thuốc điều trị chuyên biệt có thể được các bác sĩ kê đơn nhằm giảm tiến triển bệnh.
Thông thường, việc kiểm soát biến chứng thận cần kết hợp với cả kiểm soát huyết áp.
c) Bệnh tim mạch
Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trên những bệnh nhân mắc đái tháo đường. Để tầm soát tăng huyết áp có thể đo huyết áp tại nhà hoặc mỗi khi đi khám. Mức huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên cần được đánh giá bởi bác sĩ và xem xét về việc điều trị bằng thuốc.
Ngoài tăng huyết áp, các bệnh lý về mạch máu như xơ vữa mạch vành tim, mạch máu nhỏ ở chi có thể được phát hiện và đánh giá bằng siêu âm tim, siêu âm mạch máu. Trong đó, phương pháp điều trị và dự phòng hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, giảm cân và ngừng hút thuốc lá.
d) Biến chứng bàn chân đái tháo đường
Bàn chân đái tháo đường là nhóm bệnh lý liên quan đến các biến chứng thần kinh – mạch máu tại chân của những bệnh nhân mắc bệnh. Đặc điểm của bệnh là diễn tiến chậm, với các triệu chứng không rõ ràng như tê mỏi, lạnh chân, giảm cảm giác của chân khi tiếp xúc với nước nóng, mang giày dép hoặc vớ. Đặc biệt khi có các vết chai, vết trầy xước, hoặc vết loét, chúng sẽ khó lành và có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Bệnh nhân có thể phát hiện sớm các biến chứng này bằng cách lưu ý các dấu hiệu đã đề cập và đến khám khi có bất thường. Những trường hợp có bệnh lý, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc chân và điều trị thích hợp.
BSCKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, BV Nguyễn Tri Phương