Nỗi lo của F1 trong khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM
“Dáng ngồi đấy, nhìn thấy thương lắm mọi người ạ”.
Đoàn công tác chúng tôi vừa ghé qua khu vực cách ly tập trung tại tòa A6 thuộc Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, đúng lúc đó có 1 trường hợp F1 đang cách ly được thông báo nhiễm COVID-19, chuẩn bị đưa đi điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Vì đứng cách xa khoảng 30 mét, nên vài người trong số chúng tôi không trực tiếp nhìn thấy dáng ngồi và ánh mắt của anh tại thời điểm mà anh được thông báo dương tính. Nhưng qua lời kể của chị đồng nghiệp đi cùng thì “Dáng ngồi đấy, nhìn thấy thương lắm mọi người ạ”.
Đã quá giờ trưa, ai cũng cảm thấy đói, chị đồng nghiệp biết chắc anh ấy chưa kịp ăn uống gì nên gọi vào tòa nhà cách ly nhờ đưa nước và một phần cơm cho anh. Gương mặt có thể được che giấu dưới lớp khẩu trang nhưng nỗi lòng sẽ bị phơi bày qua hành động. Có thể nỗi lo khi trở thành F0 khiến anh không thể ăn nổi một bữa trưa nhưng biết đâu hành động này của nhân viên y tế sẽ khiến anh cảm thấy mình được “nhìn thấy”. Sự “nhìn thấy” ấy thể hiện được sự quan tâm và không kỳ thị của chúng ta đối với những người đang nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19. COVID-19 không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe thể chất nó còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần.
Những người thuộc diện F1 trong khu cách ly tập trung, họ lo nhiều lắm. Họ lo tình trạng sức khỏe có thể chuyển biến nặng; lo gia đình, lo con cái; lo chi phí; lo không ai
chăm sóc; lo công việc và lo cả việc bị mọi người kỳ thị. Nếu sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 trong xã hội không tồn tại hoặc giảm bớt thì họ sẽ giảm bớt một nỗi lo và gánh nặng. 21 ngày cách ly tập trung còn là một thử thách rất lớn với tinh thần. Thật sự không dễ dàng gì để vượt qua.
Việc kỳ thị và phân biệt đối xử hoặc đổ lỗi cho những người liên quan đến COVID-19, bao gồm người nghi nhiễm, người nhiễm, gia đình họ và cả những nhân viên y tế tiếp xúc và chăm sóc cho họ, sẽ gây ra hậu quả gì?
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Nhân viên y tế khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì tiếp xúc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe thể chất lẫn tâm thần (như rối loạn lo âu hay trầm cảm). Những hành vi kỳ thị như vậy có thể làm giảm hiệu quả của các chiến lược phòng chống dịch trong cộng đồng, vì có thể dẫn đến việc khai báo không trung thực, trì hoãn đi cách ly tập trung, không đi xét nghiệm và không thực hành tốt 5K [1].
Hãy thông cảm, tôn trọng và sẻ chia với họ. Khuyến khích, vận động để họ vững vàng vượt qua những ngày cách ly, tuân thủ quy định khi cách ly để không bị lây nhiễm chéo trong thời gian này.
Chỉ có đoàn kết chúng ta mới có thể chiến thắng.
#tôichỉđicáchlythôinhé #mọichuyệnsẽquanhanhthôi
#đoànkếtkhôngkỳthị
Tài liệu tham khảo:
1. J. Turner-Musa, O. Ajayi, L. Kemp (2020) "Examining Social Determinants of Health, Stigma, and COVID-19 Disparities". Healthcare (Basel), 8 (2)
Bảo Vy, Nhật Tiên – Khoa Y tế Công Cộng, Đại học Y Dược TP.HCM