Ngày xuân nói chuyện về rượu
Tác hại đến sức khỏe của rượu bia
Có một vấn đề mà mọi người còn băn khoăn đó là vậy thì thật sự rượu có hại hay có lợi hoặc nói cụ thể hơn đó là rượu uống bao nhiêu thì sẽ có hại cho sức khỏe? Về điều này thì từ lâu các nhà khoa học quan sát thấy một hiện tượng đặc biệt gọi là “đường cong hình chữ J”. Đó là trong biểu đồ mối liên quan giữa lượng rượu uống mỗi ngày và tỉ lệ bệnh tim mạch mắc phải, thấy rằng nếu uống ít thì tỉ lệ bệnh giảm nhưng nếu uống nhiều thì tỉ lệ bệnh sẽ tăng vọt lên.
Một điều hết sức nguy hiểm của rượu đó là ngoài những cái hại cho sức khỏe có thể thấy ngay thì có những tác hại mà nhiều năm sau mới thấy như xơ gan, bệnh tim mạch, rối loạn tâm thần do rươu, vô sinh, bất lực. Còn thì các tác hại nhất thời thì quá lớn cụ thể khi uống quá nhiều ngoài việc gây nôn, ói, khó chịu còn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu cấp tính gây tử vong. Không kể ngộ độc rượu dỏm mà chính rượu thiệt 100% cũng có thể gây ngộ độc như thường. Ngộ độc lại thường xảy ra không phải ở người ít uống mà lại là ở những “bợm nhậu”. Chính là do những người này khó say do cơ thể đã quen với rượu nên dễ uống nhiều đến mức ngộ độc.
Rượu làm suy giảm khả năng kiềm chế
Ngoài ra tuy rượu không được y học xếp vào nhóm chất kích thích nhưng với những lượng uống ít hoặc vừa nó lại làm suy giảm khả năng kiềm chế của con người tạo điều kiện bộc lộ những ham muốn hoặc bực dọc ẩn bên trong. Ham muốn tình dục là một bản năng mạnh, nhất là ở người đàn ông, đặc biệt khi có đối tượng gợi hứng rất dễ khởi phát thành hành động khi mà sự kiềm chế đã bị suy yếu bởi rượu. Trong trường hợp này nếu không có sự chuẩn bị từ trước từ cả 2 phía, hoạt động tình dục sẽ được tiến hành không an toàn, cụ thể là không sử dụng bao cao su dẫn đến việc lây lan các bệnh lây qua đường tình dục trong đó có nhiễm HIV/AIDS. Ngoài hành vi tình dục không an toàn, do mất khả năng kiềm chế, người uống rượu còn dễ cự cãi, đánh nhau dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong, không phải chỉ cho bản thân mà còn cho vợ, con, người thân, người xung quanh.
Uống bao nhiêu là vừa?
Vậy thì uống bao nhiêu là vừa, uống bao nhiêu là quá? Không phải tự nhiên mà văn hóa nhất là phương tây định ra nhiều loại ly uống rượu khác nhau. Rõ là chẳng ai uống rượu bằng cốc đựng bia và chẳng ai uống bia bằng ly uống rượu vì tự thân từng loại ly cốc đã hạn mức cho lượng rượu uống rồi. Đó là chưa kể đến cách thức uống từng loại rượu. Có lần trong một bữa tiệc với người nước ngoài, tôi cầm ly rượu vang nốc cạn một hơi thì sau đó bị “sửa lưng” ngay: rằng rượu vang là uống để lấy vị không phải uống để say như với rượu mạnh bằng chứng là có loại rượu vang rẻ tiền một hai trăm ngàn, có loại đến hàng chục triệu. Thậm chí cả đến rượu mạnh người sành rượu cũng không phải uống để say xỉn mà quan trọng hơn đó là thưởng thức mùi vị ngon cộng cảm giác say nhẹ dễ chịu giúp cho buổi chuyện trò thêm thú vị. Đó là lý do tại sao ly uống rượu mạnh của phương tây bụng to nhưng miệng lại nhỏ để hương vị tập trung. Tuy ly to nhưng đúng cách lại chỉ rót rượu ít sao cho khi đặt ly nằm ngang rượu vẫn không chảy ra ngoài.
Không phải tự nhiên mà văn hóa nhất là phương tây định ra nhiều loại ly uống rượu khác nhau. Rõ là chẳng ai uống rượu bằng cốc đựng bia và chẳng ai uống bia bằng ly uống rượu vì tự thân từng loại ly cốc đã hạn mức cho lượng rượu uống rồi. Đó là chưa kể đến cách thức uống từng loại rượu. Như rượu vang là uống để lấy vị không phải uống để say mèm bằng chứng là có loại rượu vang rẻ tiền một hai trăm ngàn, có loại đến hàng chục triệu. Thậm chí cả đến rượu mạnh người sành rượu cũng không phải uống để say xỉn mà quan trọng hơn đó là thưởng thức mùi vị ngon cộng cảm giác say nhẹ dễ chịu giúp cho buổi chuyện trò thêm thú vị. Dựa trên cơ sở ly uống rượu này nhiều nước có quy định số lượng rượu, bia tối đa có thể uống trong ngày đó là chỉ từ 1-2 ly tương ứng, thậm chí có nước còn quy định không được uống liên tục chẳng hạn trong một tuần không nên uống quá 5 ngày để tránh bị nghiện rượu mà như ta đã biết là một tình trạng nghiện (phải uống hàng ngày) có tác hại và khó cai không kém gì nghiện ma túy.
Khi bị ép uống, chúng ta cần kỹ năng từ chối
Có khi ta nghe thấy nhất là trong truyện, phim võ hiệp Hồng kông, hình ảnh các hảo hán giang hồ được khắc họa một cách oai phong: uống ruợu bằng tĩnh to như uống nước. Ấy đừng vội thấy thế mà bắt chước vì đó chỉ là sự cường điệu, thi vị hóa của nghệ thuật. Ngay cả trong truyện, phim cũng có lúc tác giả cho thấy là chuyện uống rượu nhiều như vậy cũng không hay ho gì, bằng chứng là nhân vật Đoàn Dự trong truyện kiếm hiệp nổi tiếng “Thiên long bát bộ” vì ngại không dám từ chối nên khi uống phải dùng võ công lén dẫn rượu theo ngón tay cho ra ngoài. Đúng là cũng có khi chúng ta lâm vào thế kẹt bị mời ép uống rượu, vấn đề còn lại chính là kỹ năng từ chối của mỗi người.
Tóm lại rượu, bia nếu uống ít thì không gây hại tuy nhiên nếu uống nhiều đến say, xỉn hoặc uống ngày này qua ngày khác dẫn đến nghiện thì tác hại khôn lường. Cảnh giác để đừng lạm dụng rượu bia chính là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mình. Đừng để dịp vui vẻ ngày Tết trở thành nỗi khổ không chỉ cho chính mình mà còn cho người thân của ta nữa.
Thân chúc mọi người một mùa Tết vui vẻ, an lành và khỏe khoắn.
ThS.BS. Trương Trọng Hoàng – Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch