Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (17/5/2023): “Đo huyết áp đúng – kiểm soát huyết áp tốt – sống khỏe”
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với bình thường. Đây là bệnh được định nghĩa khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính gây các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận,xuất huyết võng mạc… và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm trên toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng do đó nhiều người không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.
Ai dễ mắc tăng huyết áp?
1.Tuổi > 55 đối với nam, > 65 tuổi đối với nữ
2.Có hút thuốc lá
3.Vận động thể lực < 30 phút/ngày, dưới 05 ngày/tuần
4.Ăn > 5 gam muối (tương đương 01 thìa cà /phê)/người/ngày
5.Ăn ít rau, trái cây: < 400gam/ngày
6.Uống nhiều rượu bia
7.Bố, mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh tim mạch ở độ tuổi nam < 55, nữ < 65
8.Hay bị stress và căng thẳng tâm lý
9.Thừa cân, béo phì
10.Mắc bệnh đái tháo đường
11.Cao mỡ máu
Tại Thành phố Hồ Chí Minh theo kết quả điều tra do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thực hiện năm 2020 cho thấy tỉ lệ người trưởng thành 18-69 tuổi mắc tăng huyết áp chiểm tỉ lệ 33,1%. Tỉ lệ người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực so với khuyến nghị của WHO là 42,6% và ăn không đủ rau so với khuyến nghị là 77%. Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp là một cơ hội quan trọng để mọi người tăng cường nhận thức và thúc đẩy việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát bệnh tăng huyết áp tốt hơn.
Phòng ngừa và phát hiện sớm tăng huyết áp
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm tăng huyết áp bằng cách áp dụng các phương pháp sau đây:
1. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của bản thân.
2. Giảm ăn muối (dưới 5g/ngày), tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, củ, trái cây.
3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp do những thực phẩm này chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hoà.
4. Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng, chống thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác.
Minh Nguyệt - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn:
Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai (2023), Công văn số 130/VTM - HC về việc hưởng ứng ngày Tăng huyết áp thế giới năm 2023
Phạm Ngọc Oanh và cộng sự (2020), “Tình trạng dinh dưỡng, tỉ lệ mắc đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa ở người trưởng thành tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020”, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Y tế (2019), Quyết định số 5904/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã”
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension