Ngày Thế giới Phòng chống loãng xương năm 2021: Hãy hành động để xương chắc khỏe
Ngày phòng, chống loãng xương thế giới được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loãng xương. Với chủ đề năm 2021 là “Hãy hành động để xương chắc khỏe”, ngày Thế giới Phòng chống loãng xương năm nay sẽ tập trung vào sự cần thiết phải hành động để phòng chống loãng xương và gãy xương. Thông qua các hoạt động truyền thông tạo sự quan tâm của cộng đồng và bệnh nhân. Từ đó khuyến khích các hành động cụ thể giúp cải thiện xương của mọi người ở tất cả các giai đoạn của cuộc đời, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương ở tuổi trưởng thành.
Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới từ 50 tuổi trở lên sẽ bị gãy xương do loãng xương. Loãng xương làm cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Đây chính là nguyên nhân làm xương dễ bị gãy ngay cả khi bị ngã nhẹ, va đập, hắt hơi hoặc vận động đột ngột. Gãy xương do loãng xương có thể đe dọa tính mạng và là nguyên nhân chính gây ra đau đớn và tàn tật lâu dài. Do đó, tất cả chúng ta hãy hành động càng sớm càng tốt để xương luôn chắc khỏe.
*5 bước để xương khỏe mạnh vì một tương lai không gãy xương:
1.Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên, qua đó giữ cho xương và cơ của bạn vận động. Các bài tập với tạ, tăng cường cơ bắp và rèn luyện thăng bằng là tốt nhất.
2.Dinh dưỡng
Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn giàu chất dinh dưỡng tốt cho xương: Canxi, vitamin D và protein là những chất quan trọng nhất đối với sức khỏe của xương. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp bạn có đủ vitamin D.
3.Lối sống
Tránh thói quen sống tiêu cực. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tránh hút thuốc và uống rượu quá nhiều.
4.Các yếu tố nguy cơ
Tìm hiểu xem bạn có các yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương không? Hãy nói những điều này với bác sĩ, đặc biệt nếu bạn đã từng bị gãy xương trước đó, có tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc dùng các loại thuốc cụ thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương.
5.Kiểm tra và điều trị
Xét nghiệm và điều trị nếu cần. Nếu có nguy cơ cao, bạn sẽ cần dùng thuốc và thay đổi lối sống để giúp bảo vệ bản thân khỏi gãy xương.
Ngọc Hà, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn:
https://www.worldosteoporosisday.org/about-osteoporosis