Kỹ năng xử lý khi bị chuột rút trong môi trường nước
Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ đột ngột gây đau nhức ở các nhóm cơ như cẳng chân, bắp đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Tình trạng này có thể khiến việc cử động trở nên khó khăn hoặc không thể cử động được, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra dưới nước. Chuột rút có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, và thậm chí có thể tái phát. Nếu gặp phải tình huống này khi bơi, điều quan trọng là giữ bình tĩnh và xử lý đúng cách để đảm bảo an toàn.
Kỹ năng xử lý khi bị chuột rút trong môi trường nước
Nguyên tắc xử lý:
Bình tĩnh và kêu cứu: Nếu bạn bị chuột rút, hãy giữ bình tĩnh, giơ một tay lên để ra hiệu và kêu cứu. Sử dụng tay còn lại và hai chân để cố gắng di chuyển vào bờ.
Không vùng vẫy: Vùng vẫy nhiều chỉ làm mất sức và dễ dẫn đến chìm nhanh hơn.
Thả lỏng cơ thể: Bình tĩnh thả lỏng và sử dụng kỹ thuật nổi ngửa để giữ đầu, mũi, miệng nổi trên mặt nước, tránh nước vào đường thở gây sặc hoặc ngạt.
Tự cứu: Khi chưa có sự trợ giúp, hãy thực hiện các động tác tự cứu để giảm cơn chuột rút và giữ an toàn.
Cách xử lý chuột rút tại một số vị trí cụ thể:
Chuột rút ở ngón tay: Nắm thật chặt bàn tay, sau đó xoè mạnh các ngón ra. Lặp đi lặp lại như vậy từ 3 đến 4 lần có thể sẽ hết.
Chuột rút ở cánh tay: Gập, duỗi mạnh cánh tay theo cách nắm chặt bàn tay lại, gập khuỷu tay lại hết cỡ, sau đó vung cánh tay thật mạnh ra phía trước. Thả lỏng khoảng 5 – 10 giây, sau đó tiếp tục gập đi gập lại cánh tay như đã làm với tư thế thả lỏng hơn.
Chuột rút ở cẳng chân hoặc đùi: Hít một hơi dài, ngụp xuống nước và dùng tay đối diện kéo ngược ngón chân của chân bị chuột rút lên phía trên. Tay cùng bên ấn vào đầu gối để duỗi thẳng chân bị chuột rút, giữ 5-10 giây và lặp lại 2-3 lần.
Chuột rút ở bụng: Bình tĩnh, hít một hơi dài, gập bụng xuống sao cho đầu gần với đầu gối nhất, sau đó lấy sức vươn thẳng người lên và hóp bụng lại khoảng 5 – 10 giây, nổi người, thả lỏng từ từ và hít thở nhẹ nhàng. Thực hiện như vậy 3 – 5 lần thì các nhóm cơ ở vùng bụng sẽ được thả lỏng, sẽ khỏi chuột rút.
Kỹ năng thoát hiểm khi bị chuột rút
Chuột rút khi đang bơi hoặc ở dưới nước có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Để thoát hiểm, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau:
Báo động: Ngay khi bị chuột rút, kêu cứu hoặc ra hiệu cho người xung quanh nếu có ai gần đó.
Tìm điểm bám: Quan sát và tìm kiếm vật dụng, phao cứu hộ hoặc bất kỳ chỗ nào có thể bám vào để bảo vệ an toàn cho bản thân.
Không vùng vẫy mạnh: Chuột rút sẽ làm cơ thể đau đớn và dễ hoảng loạn. Hãy thả lỏng cơ thể, nổi ngửa và thực hiện các kỹ thuật tự cứu như đã hướng dẫn để tránh mất sức và đuối nước.
Thả lỏng và bơi tự cứu: Cơ thể sẽ tự nổi khi thả lỏng. Giữ bình tĩnh, ngửa cổ, khua nhẹ tay chân để duy trì tư thế nổi. Kết hợp với kêu cứu và di chuyển vào nơi an toàn.
Lên bờ và chăm sóc: Sau khi lên bờ, hãy xoa bóp vùng bị chuột rút, giữ ấm cơ thể và không tiếp tục bơi nữa.
Nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng tránh đuối nước
Không xuống nước nếu không biết bơi hoặc khi cơ thể mệt mỏi.
Không bơi, lội một mình.
Không bơi, lội khi thời tiết đang hoặc sắp chuyển xấu (như mưa to, dông, sét,…) và không bơi, lội trong vùng nước bẩn.
Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.
Luôn cảnh giác, cẩn thận khi vui chơi gần các khu vực ao, hồ, sông, suối.
Chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thủy.
Học bơi theo trường, lớp và có người quản lí, đào tạo đảm bảo trách nhiệm; có phương tiện cứu hộ và sơ cứu kịp thời.
Người lớn và trẻ em cần nhớ số điện thoại và gọi cấp cứu (khi cần thiết) đến số 115 (cấp cứu y tế) hoặc 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em).
Tài liệu tham khảo:
Quyết định số 4704/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Tài liệu hướng dẫn Giáo dục phòng tránh đuối nước học sinh.