Quản Cáo  Topbanner

Tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề


Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao và Lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Tại Việt nam, hàng năm số tử vong do bệnh Lao còn cao, khoảng 13.000 người. Nhiều người mắc bệnh Lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có gánh nặng bệnh Lao cao nhất cả nước. Theo số liệu của Chương trình Chống lao, năm 2022 số ca lao mới các thể của cả nước là 169.000 (173 trường hợp/100.000 dân), trong khi đó của TP.HCM là 19.628 ca (227 trường hợp/100.000 dân). Tử vong do Lao tại Thành phố năm 2022 ghi nhận là 297 trường hợp.

Chương trình chống Lao của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ trong thời gian qua. Chương trình đang dần hồi phục sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19. Năm 2023, Tại Thành phố chương trình đã thực hiện thử đàm cho hơn 196.000 người, thu nhận điều trị bệnh lao các thể 20.000 ca. Ở cấp độ quốc gia, hàng năm đã phát hiện trên 100.000 bệnh nhân Lao, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt trên 90%.

Hình ảnh: Tầm soát lao theo chiến lược mới 2X, sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert - một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao (Ảnh: Quốc Việt).

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Hệ thống phòng, chống lao đã xây dựng và hoạt động từ Trung ương tới địa phương. Tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát. Nhiều sáng kiến, kỹ thuật mới trong công tác phòng, chống bệnh lao đang được áp dụng.

Để chấm dứt được bệnh lao vào năm 2035, Việt Nam cần áp dụng tối ưu những công cụ sẵn có trong chẩn đoán và điều trị lao kết hợp với bao phủ y tế toàn dân cũng như các chính sách bảo trợ xã hội, đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây.

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh Lao vẫn còn gặp nhiều thách thức như: chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống làm công tác phòng, chống bệnh Lao còn hạn chế, công tác phòng, chống bệnh Lao tại y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khoẻ cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh,...

Trước tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Công điện nêu rõ, những năm qua, Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công tác kiểm soát để chấm dứt bệnh lao.

Công điện đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các hoạt động phòng chống lao như: tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao; củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh lao…

HY-Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)

 


Câu hỏi liên quan