Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home2/hcdcvna2/public_html/lib/redDirectory.php on line 98
Phòng tránh tai nạn giao thông ở cộng đồng
Tai nạn giao thông là những sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, gây ra bởi các phương tiện và người tham gia giao thông (bao gồm người điều khiển phương tiện và người tham gia các phương tiện đó) (1,2). Tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất kỳ cá nhân và loại hình phương tiện tham gia, đặc biệt là tai nạn đường bộ, bao gồm xe máy, xe cơ giới và các phương tiện khác (1).
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận đến năm 2021, tai nạn giao thông đường bộ dẫn đến cái chết của khoảng 1,19 triệu người, khiến từ 20 đến 50 triệu người bị thương tích không gây tử vong (3). Tại Việt Nam, trong tháng 9 năm 2024 (tính từ ngày 26/8/2024 - 25/9/2024), toàn quốc xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 906 người và bị thương 1.251 người (4). Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15/12/2023 - 14/9/2024, có khoảng 1.130 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 336 người và bị thương 722 người (5).
Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông bằng nhiều biện pháp khác nhau, áp dụng cho mọi loại phương tiện giao thông (đường sắt, đường hàng không, đường thủy), đặc biệt là giao thông đường bộ.
Những biện pháp phòng tránh (2,6,7)
Các biện pháp phòng tránh bao gồm các cấp độ phòng ngừa khác nhau, phương thức tiếp cận cả chủ động lẫn bị động, tập trung vào nhiều đối tượng khác nhau và xây dựng chiến lược hiệu quả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về nội dung an toàn giao thông bằng nhiều hình thức
Phổ biến luật giao thông: Tuyên truyền rộng rãi luật giao thông đến mọi người trong xã hội.
Tổ chức các cuộc thi về luật giao thông: Tạo điều kiện để mọi người hiểu rõ hơn về quy định khi tham gia giao thông.
Hướng dẫn kỹ năng an toàn giao thông: Giúp người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi bộ, xe đạp và xe máy, hiểu rõ cách tham gia giao thông một cách an toàn.
Tuân thủ, thực hiện các biện pháp an toàn tương ứng với loại hình tham gia giao thông:
Đối với đi bộ :
Tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ, qua đường đúng nơi quy định như các vạch kẻ dành cho người đi bộ hoặc cầu vượt, chờ đèn xanh để qua đường.
Luôn đi đúng phần đường dành cho người đi bộ, vỉa hè bên phải, tránh xa các phương tiện giao thông.
Trẻ nhỏ cần có người lớn đi cùng khi qua đường.
Ở nơi không có điều kiện an toàn (không có vạch kẻ đường, không có đèn tín hiệu, nơi có đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt ...), giơ tay ra hiệu xin qua đường và chọn thời điểm thích hợp (có ít xe qua lại), nhìn bên trái tránh phương tiện cơ giới từ chiều bên trái tới, đi thẳng, đến giữa đường quay sang nhìn bên phải tránh phương tiện cơ giới từ bên phải tới.
Không đi hàng ngang trên đường.
Không được qua đường nơi tầm nhìn bị che khuất, đường ở gần phía trước và phía sau ô tô đang đỗ.
Quan sát kỹ khi từ ngõ ra đường, không lao nhanh ra đường.
Đối với phương tiện xe đạp và xe máy:
Trẻ dưới 16 tuổi không được điều khiển xe máy điện, xe gắn máy.
Đi đúng làn đường và luôn ở những vị trí an toàn.
Quan sát kỹ xung quanh trước khi dừng, và làm tín hiệu để người khác biết ý định của mình.
Chấp hành nghiêm luật giao thông đối với người đi xe đạp, xe máy như dừng đúng đèn tín hiệu, không đi hàng ngang.
Luôn đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và cài dây an toàn khi đi xe máy.
An toàn đối với người ngồi sau xe đạp, xe gắn máy: Khi lên xe phải quan sát và trèo lên xe từ phía tay trái; Ngồi ngay ngắn trên xe phía sau người lái, hai tay bám chặt người ngồi phía trước; Không vung vẩy chân tay, không nghiêng ngả hoặc đứng trên yên xe, không ngồi phía trước người lái.
Đối với phương tiện ô tô và xe buýt:
Ngồi ghế sau, đeo dây an toàn.
Không nghịch ngợm, leo trèo trên xe, kể cả xe buýt công cộng.
Đứng cách xe 3m hoặc 5 bước chân khi chờ xe dừng hẳn.
Lên xe theo hàng, không chen lấn.
Ngồi tại chỗ, không thò đầu, tay ra ngoài cửa sổ.
Khi xuống xe, nhanh chóng lên vỉa hè để tài xế có thể nhìn thấy.
Xây dựng môi trường giao thông an toàn
Hành vi ứng xử hợp lý, đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường, cư xử có văn hóa như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi có va quệt.
Hợp tác, giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông.
Tạo hành lang dành riêng cho người đi bộ.
Lắp đặt biển báo và giảm tốc tại những khu vực nguy hiểm, trước cổng trường, công ty, nơi công cộng đông người qua lại.
Xây dựng quy định về thời gian sử dụng các phương tiện giao thông và cấm lưu hành những phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Phối hợp với Cảnh sát giao thông để tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như lấn chiếm lòng lề đường, đua xe, phóng nhanh vượt đèn đỏ, chở quá 2 người trên xe, lái xe khi uống rượu hoặc chất có cồn.
Sử dụng các trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông như trang bị mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài dây an toàn khi ngồi trên ô tô.
Tài liệu tham khảo
Tổng cục Thống kê Việt Nam (2016), “HTCTTK cấp tỉnh – Số vụ tai nạn giao thông; Số người chết, bị thương do tai nạn giao thông”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-dac-ta/2019/12/htcttk-cap-tinh-so-vu-tai-nan-giao-thong-so-nguoi-chet-bi-thuong-do-tai-nan-giao-thong/
Bộ Y tế (2022), “Tai nạn giao thông và các biện pháp phòng tránh”, https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/thong-tin-tuyen-truyen-dao-tao/-/asset_publisher/y1HBDqztr86t/content/tai-nan-giao-thong-va-cac-bien-phap-phong-tranh
Tổ chức Y tế Thế giới – WHO (2023), “Global statsus report on road safety 2023”, https://www.who.int/teams/social-determinants-of-health/safety-and-mobility/global-status-report-on-road-safety-2023
Bộ Y tế (2024), “9 tháng năm 2024 xảy ra 17.629 vụ tai nạn giao thông”, https://suckhoedoisong.vn/9-thang-nam-2024-xay-ra-17629-vu-tai-nan-giao-thong-169241006150156226.htm
Toà án Nhân dân tối cao (2024), “9 tháng đầu năm, TP.HCM xảy ra 1.130 vụ tai nạn giao thông”, https://congly.vn/9-thang-dau-nam-tp-hcm-xay-ra-1-130-vu-tai-nan-giao-thong-453096.html
Tổ chức Y tế Thế giới – WHO (2023), “Road traffic injuries”, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/road-traffic-injuries
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (2023), “Các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông”, https://ksbtdanang.vn/chuyen-mon/truyen-thong-giao-duc-suc-khoe/cac-bien-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-749.html