Quản Cáo  Topbanner

  • Người Đang Online:{{_couter.online}}
  • Hôm Nay Online:{{_couter.today}}
  • Tổng Truy Cập:{{_couter.total}}

Điểm tin nhanh ngày 22/07/2022


Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới mới đây tiếp tục khẳng định, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu.

Theo một nghiên cứu mới, những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch trong những tuần sau khi nhiễm bệnh. Cách phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm. Sốt, nôn, đau đầu là ba biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm màng não...

 

Đây là những thông tin chính của bản tin nhanh sáng ngày 22/07/2022

 

THẾ GIỚI

1.Hàn Quốc trước làn sóng dịch mới do biến thể phụ, châu Âu chiếm gần 50% số ca nhiễm mới toàn cầu

Đến sáng 22/7, thế giới có trên 572,05 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,39 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch bổ sung trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tái bùng phát và số ca nhiễm mới tại nước này đã vượt mốc 70.000 ca/ngày. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu có gần 3 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua, tức chiếm gần 50% số ca nhiễm mới ghi nhận toàn thế giới.

Nguồn: vtv.vn

 

2.Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường hoặc tim mạch sau khi mắc COVID-19

Các nhà khoa học cho biết, khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn trong ba tháng sau khi bị nhiễm COVID-19, nhưng trở lại bình thường sau 23 tuần. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn kéo dài trong 7 tuần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng không có bằng chứng về sự gia tăng nguy cơ về lâu dài đối với các vấn đề sức khỏe như vậy.

Nguồn: vtv.vn

 

3.Australia có số ca tử vong do COVID-19/ngày cao nhất trong đợt bùng phát Omicron mới

Australia đã ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao nhất kể từ ngày 18/5 với hơn 55.600 trường hợp. Bên cạnh đó, nước này báo cáo 89 ca tử vong do COVID-19 vào ngày 21/7 và 90 người thiệt mạng một ngày trước đó, mức cao nhất kể từ đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron đầu tiên vào đầu năm nay. Hiện giới chức Australia đang nỗ lực kiềm chế đợt đợt bùng phát COVID-19 mới do các biến thể phụ của Omicron rất dễ lây lan.

Nguồn: vtv.vn

4. Thiếu ngủ gây tổn thương não

Ngủ đủ giấc giúp cải thiện sự tập trung, tư duy mạch lạc và nhớ lâu. Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ, người ngủ đủ thường kiểm soát cảm xúc, giỏi suy luận, sáng tạo và giải quyết vấn đề tốt hơn. Người bị thiếu ngủ, mất ngủ, ngưng thở khi ngủ hoặc mắc các vấn đề về giấc ngủ có dấu hiệu suy giảm nhận thức (tùy mức độ bệnh lý). Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với chứng sa sút trí tuệ và Alzheimer (bệnh lý suy giảm nhận thức lâu dài). Theo các nghiên cứu, nếu thiếu ngủ khả năng vận động vùng hải mã, vùng vỏ não trước có thể bị suy giảm lưu giữ ký ức, giao tiếp.

Nguồn: vnexpress.net

 

 

VIỆT NAM

1.Bao nhiêu tỉnh, thành ở nước ta có ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5?

Báo cáo về tình hình dịch bệnh phía Bắc, TS. Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, kết quả giải trình tự gen trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm 2022 đến nay, phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua và thấp nhất vào tuần 24-26 sau đó có sự gia tăng nhẹ từ tuần 27 đến nay. Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới mới đây tiếp tục khẳng định, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

2.Triệu chứng cúm A cần chú ý, cách phòng ngừa cúm cho cả gia đình

TS. BS Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết các biểu hiện của cúm A gồm: Sốt; Đau cơ, mệt mỏi; Viêm long đường hô hấp, đau họng; Có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy). Phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: người có tuổi > 65, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai... Thời điểm thích hợp nên tiêm vào tháng 7-9 hàng năm. Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

 

3.Dấu hiệu trẻ viêm màng não, cha mẹ không nên bỏ qua

Sốt, nôn, đau đầu là ba biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm màng não. Trẻ có thể sốt cao, trẻ sơ sinh có thể sốt nhẹ hoặc vừa, hạ thân nhiệt trong những trường hợp nặng. Nôn tất cả mọi thứ, trẻ lớn có thể nôn vọt, nhiều lần và không liên quan đến bữa ăn, trẻ sơ sinh và nhũ nhi có thể bú kém hoặc bỏ bú, ọc sữa, bụng chướng.

Trẻ lớn biểu hiện đau đầu theo cơn hoặc liên tục, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra: biếng ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón), ho, chảy nước mũi... là những biểu hiện ban đầu của viêm màng não trẻ em. Những dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp thông thường hay sốt do virus... Do đó, cần liên tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ kèm các triệu chứng kèm theo.

Nguồn: vietnamnet.vn

 

4. Nhiều ca nguy kịch vì sốt xuất huyết

Nhiều người nghĩ sốt xuất huyết là bệnh quen thuộc, uống thuốc vài ngày sẽ khỏi, đến khi mệt mỏi, nôn ói vào bệnh viện cấp cứu thì đã rơi vào nguy kịch.

 

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: Thành phố đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn SXH bùng phát dịch. Số ca mắc trong tuần qua vẫn tăng cao, trung bình mỗi ngày có 50 ca mắc mới. Đến hiện tại, TPHCM ghi nhận hơn 75.000 ca mắc SXH, 12 trường hợp tử vong. Nếu tính cả khu vực phía Nam, số ca tử vong lên đến 63 trường hợp. Tại các bệnh viện, có hơn 1.800 trường hợp mắc SXH được thu dung điều trị với 1.178 ca người lớn, còn lại là trẻ em. Trong đó có 148 ca nặng, rất nặng. Theo ông Tăng Chí Thượng, để đảm bảo công tác thu dung, điều trị không bị quá tải, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản dựa vào số ca mắc SXH đến nhập viện và số ca nhập viện có tình trạng nặng. Sau đó sẽ phân công cho 53 bệnh viện thu dung, điều trị từ 300 - 4.000 ca SXH điều trị nội trú và 200 - 400 giường hồi sức.

Nguồn: báo phụ nữ

 

Thu Loan, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)


Câu hỏi liên quan