Quản Cáo  Topbanner

COVID-19 đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B


Chiều ngày 03/6/2023, tại Phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới.

Để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.

 

Thẩm quyền công bố dịch

Khi chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố dịch (Theo Điểm a, b, Khoản 2, Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm).

 

Điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19

Điều kiện công bố hết dịch COVID-19 cần có 02 điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. (Thực hiện theo Khoản 1, Điều 40, Mục 1, Chương IV của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoản 1, Điều 5 của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 1 của Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19:

Khi chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch COVID-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành. Do vậy, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành; rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền.

Được biết, trước đó ngày 03/5/2023, WHO công bố Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025, ngay thời điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 và đang tổng hợp ý kiến, sớm ban hành Kế hoạch để tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch COVID-19 trong thời gian tới.

 

Nguồn: Thông tin báo chí của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.


Câu hỏi liên quan