Quản Cáo Topbanner

COVID-19

Cập nhật: 14:48 - 16/01/2024 | Lần xem: 17547

Hỏi đáp về vắc xin và sự an toàn của vắc xin phòng COVID-19

Câu 1: Những ai nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 và lịch tiêm như thế nào?

Vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế khuyến cáo cho người từ 5 tuổi trở lên với lịch tiêm như sau:

Trẻ em từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi: tiêm đủ 2 mũi cơ bản.

Trẻ em từ đủ 12 đến 17 tuổi: tiêm chủng đủ 2 mũi cơ bản và một mũi nhắc lại 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi 2).

Người từ đủ 18 tuổi trở lên: tiêm chủng đủ mũi cơ bản và một mũi nhắc lại 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Tiêm thêm liều nhắc lại lần 2 ít nhất 4 tháng sau mũi nhắc lần 1 cho các đối tượng sau đây:

-   Người từ 50 tuổi trở lên

-   Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng

-   Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Để được bảo vệ tối ưu, điều quan trọng là phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được khuyến nghị.

Câu 2: Có phải tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 đều bảo vệ khỏi các biến thể của vi rút không?

Tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 được sơ tuyển hoặc liệt kê để sử dụng khẩn cấp của WHO đều cung cấp khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong do các biến thể COVID-19 đang lưu hành.

Không nên trì hoãn việc tiêm chủng để chờ đợi các phiên bản mới hơn của vắc xin phòng COVID-19. Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nặng, việc tiêm bất kỳ loại vắc xin hiện có nào đều có lợi hơn là việc trì hoãn tiêm chủng.

Câu 3: Làm thế nào chúng ta biết rằng vắc xin phòng COVID-19 là an toàn và hiệu quả?

Các vắc xin phòng COVID-19 đã được WHO phê duyệt luôn được Ủy ban Cố vấn toàn cầu về an toàn vắc xin (GACVS) của WHO giám sát cách hoạt động để xác định bất kỳ dấu hiệu nào về tác dụng phụ sau khi tiêm chủng.

Bên cạnh đó, vắc xin phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng lớn ở Giai đoạn III để chứng minh rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn đã được quốc tế thống nhất về tính an toàn và hiệu quả trước khi được đưa vào các chương trình tiêm chủng quốc gia.

Cho đến nay, hàng tỷ người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, điều này cho thấy lợi ích của việc tiêm vắc xin là lớn hơn nguy cơ mắc bệnh do COVID-19.

Câu 4: Tác dụng phụ của vắc xin phòng COVID-19 là gì?

Giống như bất kỳ loại vắc xin nào khác, một số người sẽ gặp các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là dấu hiệu bình thường cho thấy hệ thống miễn dịch đang có đáp ứng.

Tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy và đau hoặc đỏ tại vị trí tiêm. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn của vắc xin COVID-19 có thể xảy ra nhưng cực kỳ hiếm

Không phải ai cũng sẽ gặp tác dụng phụ. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày.

Câu 5: Tôi có thể đến đâu để tiêm vắc xin phòng COVID-19?

Hiện tại, vắc xin phòng COVID-19 được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên tại các Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế. Hãy chủ động liên hệ với Trạm Y tế gần nhất để được tư vấn đầy đủ và hẹn lịch tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

Nguồn:

[1] Công văn số 3309/BYT-DP của Bộ Y tế ngày 23/6/2022 về việc hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19

[2] Công văn số 3405/BYT-DP của Bộ Y tế ngày 29/6/2022 về việc hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19

[3] Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/question-and-answers-hub/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-vaccines