Quản Cáo  Topbanner

Tài liệu truyền thông

Cập nhật: 20:50 - 27/07/2022 | Lần xem: 8992

Hỏi đáp về bệnh đậu mùa khỉ (Phần 2: Đối tượng nguy cơ; Cách phòng bệnh)

 

1/ Những ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Bất kỳ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng là đã tiêm phòng bệnh đậu mùa vì hoạt động tiêm phòng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh đậu mùa được “thanh toán” vào năm 1980. Những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

2/ Làm thế nào để bảo vệ bản thân và người khác chống lại bệnh đậu mùa khỉ?

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, cần thực hiện những biện pháp sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Khu vực Trung và Tây Phi) cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi-rút đậu mùa khỉ. Tự theo dõi Sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ khi nhập cảnh. Nếu nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn; Người có dấu hiệu phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến các bệnh viện quận huyện gần nơi cư trú để được tư vấn và chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn và xử trí kịp thời; Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Nguồn:

https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/monkeypox (Cập nhật ngày 12/7/2022)

 Bộ Y tế

Hoài Thương - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.