Quản Cáo  Topbanner

Tay chân miệng

Cập nhật: 15:44 - 09/06/2023 | Lần xem: 2208

HCDC: Tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng

Sáng ngày 07/6/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) cho các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn Thành phố. Chương trình tập huấn được diễn ra với 3 nội dung: Hướng dẫn phát hiện sớm[LHN1]  bệnh TCM; Điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch; Hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Ảnh: BS. Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 tập huấn nội dung Hướng dẫn phát hiện sớm và tư vấn chăm sóc trẻ bệnh TCM tại nhà

Tại buổi tập huấn, BS. Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh tình hình dịch bệnh TCM năm nay sẽ phức tạp khi tác nhân gây bệnh là Enterovirus71 (EV71). Đã nhiều năm chúng ta không ghi nhận ca tử vong vì TCM thì hiện nay đã ghi nhận các trường hợp tử vong chuyển từ các tỉnh lân cận và tác nhân gậy bệnh chính là EV71.

BS Khanh lưu ý nhân viên y tế cần nghĩ tới bệnh TCM, dù trẻ đến khám vì bất kỳ lý do gì, thì cũng cần thăm khám thật kỹ, tránh bỏ sót các dấu hiệu của bệnh. Công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên về nhận biết dấu hiệu bệnh và đặc biệt là dấu hiệu bệnh chuyển nặng là rất cần thiết. EV71 có đặc tính làm bệnh chuyển nặng nhanh. Để hạn chế nguy cơ biến chứng và tử vong ở trẻ thì việc theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng là cực kỳ quan trọng.

Thêm vào đó, trẻ mắc bệnh TCM được chỉ định điều trị, chăm sóc tại nhà, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý không cho trẻ đi học, không đến chỗ đông người trong ít nhất 10 ngày và thường xuyên theo dõi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gồm: sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, rung giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông. Phụ huynh đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu trên.

ThS. BS. Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã nhắc lại các hoạt động giám sát, điều tra, xử ký ca bệnh theo Quyết định số 581/QĐ-BYT ngày 24/02/2012 của Bộ Y tế. Theo đó, y tế địa phương phải tiếp cận xử lý ngay ca bệnh trong vòng 48 giờ sau khi nhận được thông tin ca bệnh, khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc của bệnh nhân để phát hiện các yếu tố dịch tễ liên quan, xác định ổ dịch. Giám sát chặt chẽ ca bệnh để phát hiện sớm sự hình thành ổ dịch, đồng thời thực hiện truyền thông tại khu vực đang có ca bệnh.

ThS. BS. Lê Hồng Nga nhấn mạnh các Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng bệnh. Do bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi nên cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh ở những nơi tập trung đông trẻ em nhất là ở các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Các quận huyện, Thành phố Thủ Đức chú trọng đến việc triển khai biện pháp rửa tay, vệ sinh khử khuẩn tại các nơi này. Bên cạnh đó, các Trung tâm y tế, Phòng Y tế tăng cường giám sát phát hiện trẻ nghỉ bệnh tại trường học, quản lý báo cáo về tình hình trẻ mắc bệnh đến khám tại phòng khám tư nhân. Ngành Y tế và giáo dục tiếp tục khuyến cáo phụ huynh khi trẻ mắc bệnh cần được chăm sóc, theo dõi ở nhà ít nhất 10 ngày trước khi cho trẻ đi học lại.

Cuối buổi tập huấn, ThS. BS. Đinh Thị Hải Yến - Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe cũng chia sẻ và định hướng nội dung truyền thông cần tập trung cho mạng lưới y tế tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Xem lại chương trình tập huấn tại link: https://www.youtube.com/live/3h4MIukVuB4?feature=share

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh