Quản Cáo  Topbanner

Tin tức mới nhất

Cập nhật: 18:55 - 25/03/2021 | Lần xem: 3018

Đại dịch COVID-19 tác động đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao

Sáng ngày 24/3/2021, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức Hội nghị truyền thông ngày thế giới phòng chống lao và tổng kết năm thứ nhất dự án “Can thiệp dự phòng, tìm kiếm ca bệnh kết nối điều trị với chương trình lao giai đoạn 2020-2025 tại TP Hồ Chí Minh”.

Ảnh: BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng hàng số 13 trong  30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Khi chúng ta đang đạt được những thành quả của chiến lược phòng chống lao thì đại dịch COVID-19 xảy ra, điều này đã khiến cho tỷ lệ phát hiện bệnh lao trên toàn thế giới trong năm 2020 giảm đi 20%, tại Việt Nam giảm 3,1%. Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Số ca tử vong do lao trên toàn cầu có thể tăng khoảng 0,2–0,4 triệu người chỉ riêng vào năm 2020, nếu các dịch vụ y tế bị gián đoạn, số người mắc lao được phát hiện và điều trị giảm 25–50% trong thời gian 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Về cơ bản chương trình lao đã thực hiện tốt những chỉ đạo về chuyên môn của Chương trình Phòng chống lao Quốc gia. Tuy nhiên, bệnh lao là một vấn đề sức khỏe liên quan đến rất nhiều vấn đề xã hội, việc điều trị của bệnh nhân lao đòi hỏi thời gian khá dài. Vì vậy, khi có sự di biến động của dân cư càng nhiều thì việc quản lý điều trị càng khó khăn hơn. Và nếu như công tác phòng chống lao không cố gắng tối đa và quyết liệt thì sẽ rất khó để đạt được công cuộc chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. BS Nguyễn Hữu Hưng cũng chỉ đạo Chương trình phòng chống lao cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ban ngành để giải quyết một cách triệt để những giải pháp mà chúng ta đề ra. Đặc biệt trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, cần tập trung vào những nhóm yếu thế ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế như: những người nhập cư, kinh tế khó khăn. Liên tục củng cố mạng lưới y tế phòng chống lao từ thành phố đến quận huyện, phường xã. Thường xuyên cập nhật bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn cho nhân sự phòng chống lao.

Được biết, chủ đề của Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam năm 2021 là: “Việt Nam chiến thắng COVID-Chấm dứt bệnh lao”. Thông điệp này nhấn mạnh rằng chúng ta không còn nhiều thời gian và sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao.

Hoài Thương – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.