COVID-19: Kết thúc tình trạng khẩn cấp không có nghĩa là hết dịch bệnh
Ngày 5/5 vừa qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 không còn là trường hợp khẩn cấp toàn cầu (PHEIC). PHEIC kết thúc có nghĩa là đã đến lúc thế giới cần chính thức chuyển từ đáp ứng khẩn cấp sang một cách quản lý COVID-19 mới, lâu dài cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Chúng ta cần hiểu cho đúng tuyên bố của WHO. Việc kết thúc PHEIC không có nghĩa là COVID-19 không còn đe dọa sức khỏe toàn cầu, vi rút vẫn còn đó và vẫn có thể biến đổi trở nên nguy hiểm hơn. Chúng ta không được phép mất cảnh giác với nó.
PHEIC là gì?
PHEIC (Public Health Emergency of International Concern) là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất theo Điều lệ Y tế Quốc tế (International Health Regular - IHR) với ba yếu tố: là sự kiện bất thường, gây rủi ro về sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan dịch bệnh toàn cầu và đòi hỏi phải có đáp ứng phối hợp ở cấp độ toàn cầu. Cách đây 3 năm, COVID-19 đã được Tổng giám đốc WHO tuyên bố là PHEIC.
Vì sao WHO tuyên bố COVID-19 không còn là PHEIC?
Theo đánh giá của WHO, dựa vào dữ kiện theo dõi tình hình COVID-19 trên toàn cầu, đã đến lúc các quốc gia chuyển đổi từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác dựa trên đánh giá rủi ro và bối cảnh của quốc gia đó. Việc kết thúc PHEIC diễn ra khi Việt Nam cũng như các quốc gia khác mặc dù đang trải qua sự gia tăng đột biến về số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện. Tuy nhiên số ca nhập viện, số ca tử vong đều giảm so với trước đây, điều này nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao và những nỗ lực tận tâm của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, các biến thể mới hiện không ghi nhận gây ra tình trạng bệnh nặng hơn so với các biến thể cũ. Và quan trọng nhất là mức độ bao phủ vắc xin cao ở nhiều quốc gia.
Trích dẫn quan trọng từ Tiến sĩ Tedros - Tỗng Giám đốc WHO "PHEIC kết thúc không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Loại virus này vẫn ở đây. Nó vẫn giết người và vẫn đang thay đổi. Vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới gây ra sự gia tăng mới về số ca mắc và số ca tử vong.Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào làm là sử dụng tin tức này như một lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng." |
WHO đã đưa ra 7 khuyến nghị chung cho các quốc gia
1. Duy trì năng lực quốc gia đạt được và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai.
2. Lồng ghép tiêm chủng COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên và duy trì các nỗ lực để tăng bao phủ vắc xin COVID-19 cho tất cả những người trong các nhóm ưu tiên cao.
3. Tích hợp giám sáttác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiếp tục báo cáo dữ liệu cho WHO.
4. Chuẩn bị cho việc cấp phép vắc xin, chẩn đoán và điều trị trong khuôn khổ quy định quốc gia để đảm bảo nguồn lực cung cấp và sẵn có lâu dài.
5. Tiếp tục làm việc với các cộng đồng để đạt được các chương trình truyền thông về rủi ro và sự tham gia của cộng đồng (RCCE) và quản lý dịch bệnh mạnh mẽ, linh hoạt và toàn diện.
6. Tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp y tế về COVID-19 liên quan đến du lịch quốc tế, dựa trên các đánh giá rủi ro.
7. Tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để cải tiến vắc-xin và hiểu rõ hơn về tình trạng hậu COVID-19.
Chúng ta cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?
Cho dù WHO có tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu với COVID-19 thì một thực tế là vi rút vẫn đang tồn tại và gây bệnh. Số ca mắc COVID-19 gần đây có chiều hướng gia tăng làm tăng số ca nhập viện. Nhưng do tỉ lệ bao phủ vắc xin ở nước ta khá cao nên số ca nặng cần nhập viện không tăng đột biến và vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của Ngành Y tế. Các ca nặng chủ yếu nằm ở nhóm nguy cơ cao.
Do đó, việc tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo nhất là nhóm nguy cơ cao cần phải được tiếp tục thực hiện. Vắc xin chính là chìa khóa quan trọng để chúng ta sống chung với COVID-19. Do đó, nếu bạn chưa tiêm đủ mũi hãy đến ngay các điểm tiêm vắc xin để hoàn thành các mũi tiêm. Vận động người cao tuổi, người có bệnh nền tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, số người cao tuổi sẽ tiếp tục gia tăng Người cao tuổi thường đi kèm với các bệnh nền. Nếu không được chăm sóc tốt thì các bệnh nền sẽ không ổn định. Nhóm người cao tuổi có bệnh nền khi nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ chuyển nặng, gây tử vong. Vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ nhóm nguy cơ là rất quan trọng trước các bệnh truyền nhiễm trong đó có COVID-19.