Bệnh lao: ước tính có đến 30% dân số Việt Nam mắc lao tiềm ẩn
Bệnh lao (Tuberculosis gọi tắt là TB) là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Nhận thức được sự thiệt hại nặng nề do bệnh lao gây ra, Chương trình chống lao quốc gia luôn chiến đấu không ngừng nghỉ để tiến đến một Việt Nam không bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc điều trị và ngừa tái phát bệnh lao, chúng ta cần đẩy mạnh phòng ngừa lao. Việt Nam đã làm tốt trong việc đưa vaccine phòng lao (BCG) vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ bao phủ vắc-xin là khoảng 95% trên cả nước.
Vậy có phải chỉ cần tiêm vắc-xin thì cả đời sẽ không mắc lao? Vắc-xin BCG giúp giảm khả năng mắc các thể lao nguy hiểm như: lao màng não, lao kê… Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể mắc các bệnh lao khác như lao phổi, lao hạch, lao ruột,…Chính vì vậy, điều trị triệt để lao tiềm ẩn là một mắc xích quan trọng trong quy trình thanh toán bệnh lao. Ở nước ta, ước tính có đến 30% dân số mắc lao tiềm ẩn.
Vậy lao tiềm ẩn (LTA) là gì? Tại sao lại có nhiều người mắc lao tiềm ẩn như vậy? LTA là tình trạng cơ thể người có đáp ứng với trực khuẩn lao nhưng chưa có dấu hiêu lâm sàng hoặc xét nghiệm nào cho thấy bệnh lao hoạt động. Nói cách khác, vi khuẩn lao đang ngủ yên trong cơ thể người mắc LTA. Do đó LTA không phải là 1 bệnh, nhưng người mắc LTA có khả năng chuyển thành bệnh lao.
Vi khuẩn lao sau khi đi vào đường hô hấp sẽ bị các đại thực bào (macrophage) bắt giữ, ở người có sức đề kháng tốt, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt hoặc tồn tại ở dạng “ngủ đông”- không hoạt động. Chúng sẽ chờ đợi và chớp lấy cơ hội bất kỳ khi nào hệ miễn dịch suy yếu để vùng lên hoạt động và gây bệnh. Người mắc LTA không có triệu chứng lâm sàng, X-quang phổi đa số là bình thường và không lây cho người khác. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ năm 2020, nếu không được điều trị thì 5-10% người mắc LTA sẽ tiến triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ. Riêng đối với những người suy giảm miễn dịch thì có đến 10% tiến triển thành lao hoạt động trong vòng 1 năm.
Vì sao xét nghiệm và điều trị LTA nên tập trung trên một số đối tượng nguy cơ?
Hai xét nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng là TST (tuberculin skin test) và IRGA ( Interferon Gamma Release Asssay). Khác với vaccine BCG, việc làm xét nghiệm đồng loạt cho tất cả người dân để tầm soát LTA là không cần thiết và tạo gánh nặng kinh tế lớn cho nhà nước. Do đó, việc xét nghiệm và điều trị LTA là tự nguyện và tập trung trên một số đối tượng nguy cơ như: người nhiễm HIV; người có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao phổi; nhân viên y tế khám và chăm sóc bệnh nhân lao; nhân viên làm việc tại các trại giam và tại giáo dưỡng; bệnh nhân đái tháo đường; suy thận, chạy thận nhân tạo; bệnh nhân cấy ghép tạng hoặc chuẩn bị ghép tạng; người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (corticosteroid), thuốc sinh học.
Hiện tại có 2 đối tượng được điều trị LTA mà không cần xét nghiệm, đó là trẻ em dưới 5 tuổi có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao và bệnh nhân HIV ở mọi lứa tuổi.
Có nên tiếp nhận điều trị khi đã được chẩn đoán lao tiềm ẩn?
Nhà nước luôn khuyến khích các đối tượng nguy cơ đi tầm soát và cấp phát thuốc điều trị miễn phí nếu phát hiện nhiễm LTA. Nhưng thực tế, người dân vẫn còn ngại và sợ phải đi khám lao hay uống thuốc lao. Có người nghĩ rằng không có bệnh thì không cần điều trị, có người sợ tác dụng phụ của thuốc lao và có người sợ bị kì thị khi người khác biết mình uống thuốc lao.
Đặt lên bàn cân, dễ dàng thấy việc điều trị LTA mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho cả cá nhân và cộng đồng. Đối với cá nhân, điều trị lao tiềm ẩn giúp tránh được những hậu quả nặng nề lên sức khỏe khi bị lao, phác đồ điều trị LTA ít thuốc hơn từ đó ít tác dụng phụ hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với phác đồ điều trị lao. Đối với cộng đồng, người mắc LTA nếu không đươc điều trị có thể chuyển thành thể lao hoạt động và trở thành nguồn lây bệnh cho chính người thân, bạn bè của họ, từ đó làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Chiến thắng COVID-19 – Chấm dứt bệnh lao” – là thông điệp chính của Việt Nam ngày 24/3 năm nay, ngày Thế giới chống lao. Hướng tới mục tiêu chung của cả nước, bên cạnh cán bộ y tế, người dân có vai trò then chốt và quyết định trong sự nghiệp chống lao. “Chính chúng ta phải cứu bản thân và bảo vệ người thân của mình, không bây giờ thì khi nào?” |
Bs. Bùi Duyên Thanh Thảo – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch