Bảo vệ trẻ trước rủi ro từ không gian mạng
Hầu hết trẻ em Việt Nam tham gia sử dụng mạng internet. Mạng internet mang lại nhũng giá trị tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 03 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 01 trẻ em và hơn 175.000 trẻ em lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam thường dành từ 5 đến 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội.
Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, tại Việt Nam có gần 97% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game.
Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: từ điện thoại di động của cá nhân (58%), máy tính ở nhà (46%), điện thoại di động của người thân (45%), ngoài quán Internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận Internet qua máy tính ở trường học (23,6%).
Trẻ sử dụng Internet chủ yếu để học hành/ nghiên cứu (83%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (71%), giao lưu, kết nối bạn bè (71%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (59%).
Mạng internet mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên, giúp chúng khám phá thế giới xung quanh một cách thuận lợi, giao lưu và chia sẻ thông tin, tình cảm với những bạn đồng trang lứa. Công nghệ này đã làm mờ đi ranh giới không gian và thời gian, mở ra cơ hội học tập lớn cho trẻ em.
Ngoài ra, internet còn hỗ trợ quá trình học tập theo chương trình giáo dục phổ thông thông qua các ứng dụng giáo dục trực tuyến, tạo điều kiện cho trẻ em ở vùng nông thôn tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn. Chúng cũng hỗ trợ trẻ em tự chủ hơn trong học tập, đặc biệt trong các hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hoặc thiên tai.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Sử dụng internet đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em cũng dễ gặp phải các rủi ro khác như bắt nạt trực tuyến; lừa đảo xâm phạm đời tư hay thậm chí xâm hại tình dục… Trong những nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tổn thương về thể chất và tinh thần suốt đời.
Việc sử dụng mạng Internet quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ em, cũng như tạo ra những rủi ro về tâm lý, sức khỏe. Trò chơi trực tuyến là một trong những hình thức giải trí phổ biến, và tình trạng nghiện game đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Các tác động tiêu cực của nghiện game có thể bao gồm: suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, trẻ cũng dễ tiếp xúc với những nội dung có hại hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các tác nhân không mong muốn trên mạng xã hội. Có những hoạt động nguy hiểm trên mạng xã hội như thúc đẩy trẻ thực hiện các thử thách nguy hiểm như "thử thách Momo" hay "thử thách Cá voi xanh", có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em.
Cần sự phối hợp từ trẻ, gia đình, xã hội
Việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn để bảo vệ bản thân.
Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng internet, không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học. Hãy học và chơi cùng con trên mạng internet, cần chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường mạng, kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet cho trẻ. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia môi trường mạng.
Về phía xã hội, cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.
Nguồn tham khảo:
1. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường Bản tin an toàn thông tin quý II/2021_Phần 5 -Rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, http://attt.dinte.gov.vn/pages/ban-tin-an-toan-thong-tin-quy-ii2021phan-5--rui-ro-doi-voi-tre-em-tren-moi-truong-mang.aspx, truy cập ngày 20/3/2024.
2. UNICEF (2017) UNICEF: Make the digital world safer for children – while increasing online access to benefit the most disadvantaged, https://www.unicef.org/vietnam/press-releases/unicef-make-digital-world-safer-children-while-increasing-online-access-benefit-most, accessed on 20/3/2024.
3. UNICEF (2018) More than 175,000 children go online for the first time every day, tapping into great opportunities, but facing grave risks, https://www.unicef.org/eap/press-releases/more-175000-children-go-online-first-time-every-day-tapping-great-opportunities, accessed on 21/3/2024.
Khoa Sức khỏe cộng đồng – Môi trường và Bệnh nghề nghiệp, HCDC